“ Trong cuộc sống chúng ta thường nghe đến cái “ Nghiệp “ mà mỗi người phải gánh. Nghiệp của kiếp trước chưa trả hết thì kiếp sau phải trả. Đôi khi “ Nghiệp” được hình thành ngay trong cuộc sống hiện tại, những lầm lỗi gây ra trong một gia đình sẽ bị báo ứng vào con cái, anh chị em, người thân của họ với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Nói đơn giản “ Nghiệp “ chính là khi bạn mắc lỗi và tai ương sẽ giáng xuống đầu chính những người thân của bạn.
Con người sống thường không biết, không chú ý hoặc không quan tâm đến cái “ Nghiệp “ của mình. Họ sống ích kỷ, sống chỉ biết bản thân và họ quên mất một điều : Cho dù họ có chết đi thì “ Nghiệp “ vẫn còn.
Không chỉ thế, nếu gây Nghiệp Chướng quá nặng thì hậu quả sẽ không phải chỉ một người gánh chịu mà còn là rất nhiều người và đáng sợ hơn nó sẽ còn kéo dài cho đến nhiều đời kế tiếp. “
Đó là những lời nói của anh Huấn nói với tôi trong cuộc nói chuyện cách đây một tháng. Và hôm nay, khi đứng bên trên huyệt mộ nhìn người ta đang thòng dây thừng đưa quan tài anh xuống dưới cái hố mới được đào cách đây một ngày, trời thì mưa rả rích. Tháng 7 mưa ngâu, hay người ta còn gọi là Mưa Thất Tịch. Nhưng giữa nghĩa địa hoang vắng, nổi lên những nấm mồ lạnh lẽo, nhiều ngôi mộ đã phủ rêu xanh, nước ve trắng đã chuyển sang màu ố đen kịt. Tiếng gào khóc thảm thiết của mẹ anh Huấn như xé tan cái bầu không khí u ám, đau thương đến tột cùng này. Bởi đây là đứa con trai thứ 3 của bà Hoài được đưa xuống mồ trong 6 năm qua.
“ Kịch…kịch..”
Nền đất bùn khá trơn bởi trời mưa nên vất vả lắm người ta mới đặt được chiếc quan tài nằm ngay ngắn đúng vị trí của huyệt mộ đã được đào sẵn. Cũng chẳng có ai đi đưa ngoài những người thân trong gia đình anh Huấn, tôi đúng ra cũng bị vợ bắt ở nhà bởi vì không chỉ riêng vợ tôi mà cả làng này đều rùng mình hoảng sợ khi anh Huấn qua đời. Cái họ sợ không phải là cái chết của anh Huấn, mà đã 6 năm nay, cách 2 năm một lần cứ vào ngày mùng 10 tháng 7 âm lịch, một người con của bà Hoài lại chết. Dân làng gọi đó là Trùng Tang. Nhưng không đi sao được khi mà nhà tôi với nhà anh Huấn chỉ cách nhau đúng một giậu mồng tơi. Trong số 4 người con của bà Hoài thì anh Huấn là người thân với tôi nhất, có lẽ cũng do tuổi của anh Huấn là trẻ nhất so với những người còn lại.
Bà Hoài có cả thảy 4 người con, ba trai, 1 gái. Chồng bà Hoài đã qua đời cách đây cũng khá lâu. Ba người con trai lần lượt sinh năm 1972, 1975, 1980, còn người con gái sinh năm 1977. Anh Huấn là con út, anh hơn tôi 10 tuổi nhưng vì gần nhà nên từ bé tôi đã rất thân với anh. Bà Hoài năm nay cũng đã trên 80 tuổi, nếu phải nói ở đây ai là người bất hạnh nhất thì chính là bà Hoài. Sống đã gần hết cuộc đời, mái tóc của bà Hoài giờ đây bói không ra một sợi tóc đen. Nhưng bà đã chứng kiến cái chết của chồng, rồi cái chết của ba cậu con trai. Nhìn tấm lưng còng cúi rạp, phủ phục trên nền đất bùn, bàn tay bà Hòa túm chặt những khóm cỏ giày xéo trong đau đớn tuyệt vọng tôi thấy bà Hoài thật đáng thương.
Chuyện người chết hàng ngày có lẽ rất bình thường bởi vì ngày nào chẳng có người chết. Nhưng chuyện một gia đình có đến 4 người đàn ông đã chết, trong đó ba cậu con trai lần lượt chết theo thứ tự từ lớn đến nhỏ, xong còn mất trùng một ngày thì chắc hẳn nó là một câu chuyện được chú ý. Dân làng ngay từ cái chết của người con trai thứ 2 của bà Hoài đã truyền tai nhau những câu chuyện kỳ bí về cái mảnh đất mà gia đình bà Hoài đang ở. Những câu chuyện thoạt nghe qua có vẻ sẽ không ai tin, nhưng nó là sự thật. Bởi nếu là người dân bên ngoài đồn tôi cũng chẳng tin, nhưng những điều mà tôi sắp kể cho các bạn sau đây lại được chính một người trong gia đình bà Hoài kể lại. Người đang nằm trong quan tài bên dưới cái huyệt đang dần bị phủ kín kia, anh Huấn.
Truyện Ma :
#Nghiệp_Chướng
#Chap1 : Trùng Tang – Gia Đình Mà Đàn Ông Phải Chết.
Trở về nhà với bộ quần áo đã ướt sũng nước mưa, chẳng hiểu vì sao lúc đưa anh Huấn ra đồng thì trời chỉ mưa lâm thâm, đúng chất mưa ngâu tháng 7. Nhưng khi nấm mồ chôn anh Huấn được những người nhận nhiệm vụ chôn cất đắp lên những xẻng đất cuối cùng thì trời nổ sấm chớp, sét đánh rầm trời. Ngay sau đó một cơn mưa rào trút xuống, mọi người sợ hãi bởi đồng không mông quạnh sét xẻ dọc trời thế kia, nếu không may vô phúc bị đánh chết thì trong đám ma lại có đám ma.
Hầu như những người ở đó đều bỏ chạy, chỉ riêng bà Hoài vẫn một mình phủ phục bên nấm mồ mới đắp của con mặc cho thiên nhiên đang ra sức dọa nạt. Càng mưa to bà Hoài lại càng gào thét đến rũ rượi, cô con gái duy nhất còn lại của bà cũng ôm chầm lấy mẹ mà khóc nức nở. Trong tiếng sấm động, mọi người chỉ nghe thấy bà Hoài gào lên đúng một câu :
— MÀY VỪA LÒNG CHƯA, CON QUỶ CÁI.
Đang lặng người suy nghĩ thì tôi giật mình khi bất chợt vợ tôi đứng đằng sau hỏi :
— Anh về rồi à..? Không thay quần áo đi mà còn đứng đấy..?
Chắc có lẽ đang quá mải mê nghĩ đến chuyện của anh Huấn mà mặc dù đó là tiếng vợ, ngày nào tôi cũng nghe nhưng sao hôm nay giọng nói đó cũng khiến tôi nổi da gà. Tôi quay lại đáp :
— Ờ..ờ…anh mới về, anh thay ngay đây.
Vợ tôi hỏi :
— Mà lúc vào nhà anh đã đốt lửa bước qua ba lần chưa đấy.?
Tôi thở dài gật đầu, vợ tôi là một người rất tín. Mà chắc cũng không chỉ riêng vợ tôi như vậy, hôm nay khi biết tôi quyết định đi đưa anh Huấn ra đồng vợ tôi không đồng ý. Nhà có con nhỏ, không biết nghe ai hay tìm hiểu ở đâu mà vợ tôi bảo :
— Anh ở nhà đi, hôm trước viếng sang thắp hương rồi thì thôi. Lại còn đi theo ra đồng chôn cất làm cái gì..? Rồi…rồi chẳng may có làm sao mẹ con em biết trông cậy vào ai..?
Tôi nhíu mày đáp :
— Em làm sao thế, dù gì cũng là hàng xóm sát vách. Chưa nói đến chuyện anh với anh Huấn thân nhau có khi còn chẳng kém anh em ruột thịt là bao mà chỉ nói đến việc bác Hoài còn một thân một mình là nhà mình cũng phải sang giúp rồi. Mà nói là giúp chứ làm được gì đâu. Nghĩa tử nghĩa tận, sống còn chả cho nhau được cái gì thì chết đi đưa đám một chút đâu có sao.
Biết tính tôi đã quyết làm gì thì không thay đổi được, cuối cùng vợ tôi cũng không nói gì nhưng cô ấy đi vào trong lấy ra một tập giấy báo cũ rồi nhét ở bên ngoài cửa ra vào, quay lại cô ấy nói với tôi :
— Thế thôi, anh đi thì cứ đi. Nhưng đi xong về phải đốt lửa rồi bước qua ba lần rồi mới được vào nhà. Mà đây cho thêm củ tỏi vào túi, chứ lúc sống anh với ông ấy suốt ngày ngồi nói chuyện, đánh cờ rồi uống rượu với nhau sợ ra đến đó lại theo về tận nhà đấy.
Nghe vợ nói cũng có cái đúng, tôi thì chưa nhìn thấy ma quỷ bao giờ cả, nhưng mà những chuyện tâm linh tôi được nghe không phải là ít. Mà cái tính đã không được gặp thì bao giờ cũng tò mò. Chẳng vậy mà mỗi lần anh Huấn kể về câu chuyện của gia đình anh, tôi nghe mà nhớ như in từng chữ. Cách đây hai tuần, khi mà hai anh em đang nhâm nhi chén rượu, bỗng nhiên anh Huấn hỏi tôi :
— Chơi với anh từ bé, có chuyện gì anh cũng kể cho mày hết rồi. Thôi thì ngồi uống rượu với mày hôm nay rồi anh đi.
Tôi ngạc nhiên hỏi :
— Anh tính đi đâu làm ăn à..? Hay là tính đi đâu cưới vợ..?
Anh Huấn rót rượu rồi uống một ực hết cả chén, anh nhìn tôi bằng ánh mắt u buồn, không giống như anh thường ngày, khi mà tôi trêu anh cưới vợ thì anh sẽ cười rồi nói làm gì có ma nào thèm lấy. Nhưng ngày hôm ấy anh khẽ trả lời :
— Ừ, mày nói đúng một cái….Anh chuẩn bị đi với vợ.
Tôi tưởng thật hỏi lại :
— Thật hả anh..? Thế cũng tốt, anh hơn em cả chục tuổi mà em giờ có cả con rồi, anh thì vẫn cứ một mình. Cưới vợ đi anh ạ.
Anh Huấn bất chợt đặt cái chén xuống rồi đứng lên, nhìn tôi anh Huấn cười :
— Ừ, cũng đến lúc rồi.
Nói xong anh Huấn bỏ về, từ hôm đấy trở đi không thấy anh Huấn sang nhà tôi nữa. Phải hai hôm sau tôi mới biết anh Huấn bị bệnh, ốm nằm liệt giường, mọi người đến thăm nom, cũng đưa lên viện khám nhưng rồi cũng chẳng ai đoán được nguyên nhân. Chỉ có bà Hoài là khóc từ ngày này sang ngày khác, cuối cùng anh Huấn chết vào ngày 10/7 âm lịch. Chết mà không bệnh tật gì, chỉ biết lúc nằm trên giường lúc tỉnh lúc mê, lúc mở mắt anh Huấn chỉ nhìn mẹ rồi chỉ về phía cuối giường bảo là có mọi người ở đây đầy đủ.
Bà Hoài mỗi khi nghe con trai nói vậy thì gào thét, bà khươ tay vào khoảng không phía cuối giường liên mồm nói :
— Làm ơn tha cho nó, tôi chỉ còn nó mà thôi….Các người bắt nó đi làm gì, các người cút đi…..Cút đi.
Chắc mọi người sẽ thắc mắc tại sao gia đình mà tất cả những người đàn ông đều phải chết như vậy, ba cậu con trai cứ cách 2 năm lại chết một người như thế mà người nhà không tìm cách cúng vái, giải hạn, giải nguyền….Nếu như nói trong làng ai là người mời thầy, mời sư về nhiều nhất thì cũng chính là gia đình bà Hoài, sau cái chết do tai nạn của người con trai cả là bà Hoài đã nhờ thầy về cúng vái, làm lễ rồi. Nhưng ông thầy chẳng hiểu tại sao đang làm lễ thì lăn đùng ra sùi bọt mép, nhang thắp không cháy, quả trứng luộc đặt trên cái đĩa bỗng dưng chuyển màu đen kịt. Chẳng ai bảo ai tất cả bỏ chạy, lúc đó anh Huấn còn sống, chính anh Huấn phải bế ông thầy đặt ra ngoài đường, phải rất lâu sau thầy mới tỉnh, lúc tỉnh lại thầy còn không dám lấy cả đồ nghề mà chạy ngay lập tức. Câu chuyện này là do chính anh Huấn kể.
Anh của anh Huấn chết vì ngã xuống con lạch trong làng. Con lạch đó trước đây cũng có một đứa trẻ con bị chết do chơi nghich với bạn rồi ngã xuống, bố mẹ đi làm nên không phát hiện được, chỉ đến khi về nhà không thấy con đâu mới cuống cuồng đi mò sông thì tìm được thi thể của con mình. Anh trai anh Huấn cũng chết ngay ở đoạn lạch đó. Cả người cả xe máy đều rơi xuống nước, cả nhà anh Huấn đều biết anh cả không uống rượu, nên dân làng đồn say rượu đi xe ngã xuống lạch chết thì chỉ có người dân là tin, còn gia đình anh Huấn không tin điều đó. Khi xác anh trai anh Huấn được đưa lên bờ cả thân người cứng đơ, người vớt xác nói đầu anh ta ( so về tuổi thì tôi phải gọi là chú ) cắm sâu xuống bùn, hai chân hướng thẳng lên trên, cứ như người ta cầm cả cái xác cắm xuống vậy. Mắt, mũi, mồm, lỗ tai của anh trai anh Huấn bị bùn dưới lạch lấp kín. Lúc đưa lên bùn còn đóng đặc quánh bên trong những bộ phận trên khuôn mặt. Không nhờ chiếc xe thì cũng chẳng ai biết đó là con trai cả của bà Hoài.
Nghĩ là bị đứa trẻ chết dưới lạch bắt đi nên bà Hoài mới thuê thầy về cúng kiếng, ai dè ông thầy cũng bỏ của chạy lấy người. Câu chuyện Trùng Tang vẫn chưa được ai bàn tán, cho đến khi hai năm sau, cũng vào ngày 10/7, cậu con trai thứ hai của bà Hoài tự dưng treo cổ chết trong phòng, nguyên do vì đâu cũng chẳng ai biết. Hai người anh của anh Huấn đều đã lấy vợ, nhưng chỉ duy nhất ông anh cả là có con, người còn lại có vợ nhưng cưới đâu độ được 3 tháng thì treo cổ chết. Anh ta treo cổ chết ngay trong phòng mà người vợ cả đêm không hay biết gì, sáng hôm sau tỉnh dậy sờ ngang không thấy chồng đâu, dụi mắt nhìn quanh thì chị vợ hoảng hồn khi chồng mình đã treo cổ chết từ bao giờ. Đáng sợ hơn anh ta treo cổ ngay giữa cái xà nhà giữa giường ngủ của hai vợ chồng, đôi bàn chân tím ngắt, lạnh cóng của anh ta đong đưa trước mặt người vợ, gương mặt đã chuyển màu thâm đen với cái lưỡi lè ra đỏ lòm khiến chị vợ chỉ kịp hét lên một tiếng thất thanh rồi ngất xỉu.
Đến lúc này, người ta mới lục lại cái chết của người con trai cả, và khi họ nhớ ra rằng cách đây 2 năm cũng vào ngày 10/7 âm lịch….Cậu lớn nhà bà Hoài đã chết, 2 năm sau cũng chính ngày 10/7 âm lịch cái chết của cậu hai bắt đầu dấy lên một câu chuyện ma quỷ trong cái gia đình mà những người đàn ông đều phải chết này. Người đời gọi đó là Trùng Tang, người trước chết đi vẫn còn mang Nghiệp chưa trả hết, không được làm lễ cầu siêu nên linh hồn đi lang thang, khi quỷ sứ bắt được sẽ tra khảo xem lúc sống còn gánh những Nghiệp gì, nếu chưa hết Nghiệp sẽ phải khai tên tuổi người thân trong nhà để tiếp tục bắt đi những người hợp vong tiếp tục trả Nghiệp.
Tuy nhiên đó cũng chỉ là lời đồn từ miệng những người trong làng, còn thực tế câu chuyện của gia đình anh Huấn không chỉ đơn giản là như thế. Tôi không biết tại sao anh Huấn lại kể cho tôi những thứ mà có lẽ người ta hay nói : Sống để bụng, chết mang theo.
Hoặc có thể là do anh Huấn biết trước được cái số mệnh của mình, anh cần một sự chia sẻ, một sự thông cảm, anh muốn giãi bày. Hoặc có thể là do anh muốn tôi biết để mà tránh, để mà sống sao cho đúng.
Thay quần áo xong bước vào phòng, vợ tôi chắc có lẽ vẫn còn giận bởi tôi không nghe lời cô ấy. Nhưng nỗi buồn mất đi một người anh, một thời bạn thân thiết khiến tôi cũng chẳng còn tâm trí nào để mà quan tâm. Lấy laptop ra bên ngoài phòng khách, châm điếu thuốc nhớ lại từng chi tiết trong câu chuyện mà anh Huấn kể, chẳng hiểu sao tôi mở máy rồi bắt đầu gõ những tiếng :
“ Lạch…cạch….cạch…cạch…”
Năm 1973, sau khi bà Hoài sinh cậu con trai đầu tiên được một năm thì một sự việc xảy đến có lẽ là đã thay đổi cuộc đời của tất cả những thành viên trong gia đình bà. Khi đó cả gia đình vui sướng vì cho rằng quý tử đầu lòng mang lại may mắn, tài lộc nhưng rồi cũng chính từ đây bi kịch của một gia đình bắt đầu…
Nhà bà Hoài ông Hải cũng như bao gia đình trong làng khác, hồi đó vẫn còn đang trong thời chiến, làm gì có của ăn của để. Bữa cơm còn phải độn ngô, khoai, sắn là điều bình thường. Ngày ấy nhiều gia đình còn phải nấu cơm chung với cám lợn, nồi cơm mở ra vàng đục thế mà nhà đông con của không ngon cũng hết. Có hạt gạo bỏ vào mồm những năm còn kháng chiến là quý lắm rồi. Nói thế để mọi người biết nhà bố mẹ ông Hải cũng còn nghèo đói lắm. Nhưng được cái đất rộng, vườn tược, giếng sân đủ cả. Ông Hải cũng là bộ đội xuất ngũ, về được hai năm thì cưới vợ, đến năm 1972 thì sinh trai đầu lòng. Bố mẹ chết đi để lại mọi đất đai cho ông Hải cũng là người con trai còn lại duy nhất, bố mẹ ông Hải sinh tổng cộng được 7 người con, thì 5 người là nữ, anh trai ông Hải cũng đi bộ đội nhưng người đi chỉ có giấy báo tử gửi về. Các chị em gái lấy chồng rồi cũng theo chồng, đất đai để lại một mình ông Hải là người nắm giữ.
Lấy vợ sinh con xong, may mắn bắt đầu đến với gia đình ông Hải. Vẫn là cái giếng ấy, vẫn là cái sân bằng đất mà vợ chồng ông Hải hàng ngày vẫn thả gà. Nhưng một buổi sáng, khi mà bà Hoài đang ở trong nhà chăm con thì ông Hải nghe thấy tiếng gà kêu quang quác ở phía sân sau. Nghĩ là chó đuổi bắt gà nên ông Hải vội cầm gậy chạy ra xua. Ra đến sân thì ông Hải thấy con gà không ai làm gì những cứ kêu quang quác rồi nó đập cánh, chạy như thể có thứ gì đang đuổi đằng sau. Chạy đến miệng giếng thì nó nhảy xuống, ông Hải không kịp xua lại. Nhìn còn gà chết chìm dưới lòng giếng sâu hút hút nhưng nước khá đầy mà ông Hải tiếc hùi hụi. Bà Hoài đi ra hỏi chồng :
— Làm sao thế hả mình ơi, chó nó lại cắn gà nhà à..?
Ông Hải tiếc rẻ lắc đầu :
— Không, chó nó có cắn đâu. Nhưng chẳng hiểu sao con gà lại nhảy xuống giếng, chết rồi. Mà nó chìm nghỉm vớt kiểu gì bây giờ, để dưới đó rồi thối hết cả nước.
Bà Hoài thở dài :
— Nuôi được mấy con gà, hết chó cắn rồi lại nhảy xuống giếng. Gà thì đâu có to đâu mà ăn được…Khổ, hay ông xem thế nào vớt nó lên đi không thối rồi đến nước giặt giũ cũng chẳng có.
Nói xong bà Hoài bế con đi vào trong nhà, nhìn xuống cái giếng khá là sâu, nhưng trước đây ông Hải có nghe bố mẹ kể lại rằng khi mà đào cái giếng này đào mãi không thấy nước, đang định bỏ dở thì một người thợ cố cạy nốt viên đá đang đào dở ra thì nước bắt đầu chảy. Nhà nằm sát vách một quả đồi nên lúc xem người ta bảo đào giếng chắc chắn sẽ gặp mạch nước. Bao nhiêu công lao định bỏ ngang thì viên đá kia lại chính là viên đá chắn mạch nước ngầm. Cả xóm ngày ấy vui mừng vì cuối cùng cũng có nhà đào được giếng. Nước giếng nhà ông Hải mát lắm, tuy đào sâu nhưng nước lúc nào cũng đầy đến nửa chẳng bao giờ nhìn thấy đáy. Chính ông Hải cũng chẳng biết cái giếng sâu bao nhiêu. Giờ mà phải xuống mò xác con gà lên chẳng biết có mò được không..? Tuy rằng cái giếng này chỉ là nước dùng để giặt giũ, rửa ráy chứ không phải nước ăn. Nhưng không vớt xác con gà lên thì lại càng nguy hại, để nó mà thối ra đấy chắc chỉ có nước tát cạn cái giếng.
Chép miệng một cái ông Hải nhanh chóng cởi quần áo rồi buộc một sợi dây thừng phía bên trên thật chắc chắn xong từ từ, từ từ ông Hải trèo xuống lòng giếng. Năm đó trời mùa thu nên làn nước hơi lạnh, vừa chạm chân xuống nước ông Hải đã cảm nhận được cái lạnh không mấy dễ chịu, nhưng khi cả cơ thể dần chìm xuống nước thì nhiệt độ được điều hòa hơn. Hít mạnh một hơi ông Hải lặn mất tăm. Nước khi múc lên khá trong, nhưng do độ sâu cộng với trong giếng ánh nắng mặt trời không chiếu vào được thành thử khi lặn xuống chỉ có một màu tối đen, chẳng nhìn thấy gì cả. Cuối cùng thì cũng chạm được đáy giếng, nhân lúc vẫn còn hơi, ông Hải quờ tay tìm kiếm nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy con gà đâu. Dưới này chỉ toàn là đá sỏi, đá cuội lởm chởm. Nổi lên lấy hơi ông Hải toan lặn xuống mò lần nữa thì đột nhiên ông nổi da gà bởi vừa tức thì có cái gì đó khẽ chạm vào chân ông, thứ đó cứ như ngón tay của một ai đó vừa chọc vào lòng bàn chân của ông vậy.
Trời thì chỉ vừa mới sáng, nắng đã lên nhưng bên dưới giếng thì không khí ẩm thấp, âm u một cách quái lạ. Ông Hải nghĩ :
— Hay là cá, dễ thường ngày xưa là hay thả cả xuống đây lắm.
Vừa nói xong thì cái thứ không xác định đó lại quyện vào chân ông một lần nữa. Thấy không ổn, vốn là bộ đội nên ông Hải cũng không tin vào mấy chuyện tâm linh, ma quỷ. Chắc mẩm đó là cá, hơn nữa phải nhanh chóng mò được xác con gà nên ông Hải tiếp tục lặn xuống. Vẫn chỉ là những hòn đá cuội đủ kích cỡ, đang loay hoay lần mò thì ông Hải giật bắn người, khi mà rõ ràng vừa mới có bàn tay của ai đó đặt vào túi quần đùi ông một cục đá tròn tròn ngang với nắm tay người. Một bàn tay rõ ràng chứ không phải là con cá mà ban nãy ông vẫn nghĩ. Cả đời chưa biết sợ ma là gì, nhưng dưới đáy giếng toàn nước thế này từ sớm đến giờ chỉ có một mình ông Hải là bơi trong đây, làm gì có ai khác. Hơn nữa nếu có người ở dưới này thì chỉ có người chết chứ làm sao mà sống được nếu không trồi lên thở. Thế vậy cái thứ quỷ quái vừa nhét đá vào túi quần ông là thứ gì.
Sợ đến thất kinh ông Hải ngoi nhanh lên bờ, miệng gào tên vợ :
— Mình ơi, Hoài ơi……Ra đây nhanh lên…..Giúp….giúp….tôi…
Bà Hoài vẫn đang bế con ở trong nhà không nghe thấy gì, ở sân sau dưới lòng giếng ông Hải vẫn cố gào :
— Đâu rồi….Hoài ơi….Hoài…..Bà nó….ơi….Ra đây….giúp…tôi.
Phải gọi đến lần thứ 3 bà Hoài mới đặt con xuống giường rồi chạy ra nói với :
— Đây đây….Ông ở đâu mà gọi to thế, tôi chẳng thấy ông đâu cả.
Vừa xỏ đôi dép cao su bà Hoài vừa tất bật chạy ra, nghe thấy tiếng vợ ông Hải phần nào cũng đỡ run hơn. Nếu như bây giờ mà không ai thưa chắc ông phải thét lên vì kinh sợ. Bởi ban nãy sợi thừng mà ông thả xuống chạm mặt nước thì nay nó đã bị kéo lên một đoạn, khiến cho ông không thể với tới được. Nhìn thấy vợ ở trên miệng giếng ông Hải thều thào :
— Thả…thả…cái….dây thừng…xuống ngay cho tôi…tôi….Nhanh lên…
Bà Hoài nhìn mặt chồng tái nhợt thì nghĩ chắc có lẽ do ngâm nước lạnh nên ông Hải không chịu được. Vội thả dây xuống cho chồng leo lên, lên đến nơi ông Hải vẫn còn run như cầy sấy. Rùng mình một cái ông Hải nói :
— Mình…ơi…ở dưới….đáy…giếng có…người hay sao…ấy.
Bà Hoài cau mặt trách chồng :
— Ông thôi đi, không vớt được xác con gà lên thì thôi còn làm trò dọa tôi nữa. Đáy giếng nào có người, về đây bao lâu nay ngày nào tôi chẳng múc nước giếng lên giặt. Mà người nào sống được ở dưới đáy giếng, ma thì họa may ra…Ông cứ vớ va vớ vẩn.
Ông Hải nuốt nước bọt run run đáp :
— Thật…thật…đấy…Mình có thấy…tôi…đùa…chuyện…ma quỷ…bao giờ…không..? Nó…có còn…nhét đá…vào trong…túi tôi…đây này…Rõ ràng là một bàn…tay người nhét vào trong túi tôi….mà..
Nhìn chồng đang rất sợ hãi khiến cho bà Hoài cũng bán tín bán nghi, là phụ nữ chuyện tâm linh thì ai cũng phải có chút tín. Có thờ có thiêng, có kiêng có lành mà, hơn nữa chồng bà trước nay thế nào bà biết, ông Hải có bao giờ đùa cợt hay đem truyện ma quỷ ra mà trêu người đâu. Bà Hoài gặng hỏi :
— Đâu , thế nó nhét cục đá vào túi ông đâu….Mà sao lại là nhét đá vào túi ông..?
Ông Hải thò tay vào bên trong túi vẫn còn cộm lên hẳn một cục tròn tròn, nhắm mắt nhắm mũi móc ra đưa cho vợ ông Hải lắp bắp :
— Đây này, nó nhét cục đá này vào trong túi tôi….Chứ tôi có điên đâu mà lấy đá cho vào túi làm gì.
Khi ông Hải vẫn còn chưa dám nhìn cục đá đó hình thù như thế nào thì bà Hoài hai tay run run đỡ lấy cục đá rồi tròn mắt không thốt lên được lời nào. Bà Hoài nhìn chồng nói như sắp khóc :
— Ông….ông nói…nói…đây là…cục…đá…đá…hả…..Ông nhìn…nhìn…lại…xem….nào…Hay tôi…nằm…mơ…?
Ông Hải chẳng hiểu vợ đang nói gì, quay mặt lại ông há hốc mồm khi mà thứ vợ ông đang cầm trên tay không phải đá mà là một cục màu vàng, màu vàng nguyên khối, cục vàng to như nắm đấm vàng chóe đang nằm trên tay bà Hoài khiến ông Hải ngay lập tức quỳ mọp xuống giếng, bà Hoài thấy vậy cũng lập tức quỳ xuống. Hai vợ chồng lạy lên lạy xuống mồm không ngớt nói :
— Con lạy cô, con lạy cậu, con lạy chư vị thánh thần đã ban phước, ban lộc cho nhà chúng con. Ban nãy con có nói gì sai mong cô, mong cậu, mong các vị tha thứ.
Khi mà hai vợ chồng vẫn đang lạy thì từ trong nhà, cậu con trai cả hơn một tuổi chẳng hiểu ai trêu chòng hay làm gì mà cứ vang lên tiếng cười khanh khách.
Hai vợ chồng bà Hoài vội chạy vào trong nhà thì thấy cậu con trai đang ngồi trên giường cười như có ai cù nách. Tiếp tục quỳ mọp xuống lạy như tế sao, bà Hoài khấn :
— Con đội ơn ngài, đội ơn ngài đã cho gia đình chúng con được lộc.
Ông Hải vội vàng thắp nhang khấn vái gia tiên, một lúc sau thì cậu con trai ngừng cười. Hai vợ chồng ngồi co rúm vào một góc nhà, họ giở cục vàng ban nãy ra xem lại một lần nữa. Cả hai tay run run, bà Hoài đưa cả cục vàng lên miệng cắn :
— Vàng, vàng thật ông ạ….Hu hu, vừa mừng mà tôi cũng sợ quá, không biết chuyện này là phúc hay họa đây.?
Ông Hải nắm chặt tay vợ rồi nói bằng giọng run run :
— Mà…mình..mình này….Liệu dưới…đó còn…vàng không nhỉ..? Mà lạ lắm….lúc tôi mò xuống đáy giếng….chẳng thấy con gà đâu cả…Dưới đó toàn đá thôi, mà có khi không phải đá đâu.
Bà Hoài gật gật đầu bảo chồng :
— Hay mình lại xuống dưới đó một chuyến nữa, mò được cục nào nhặt lên cục đấy. Biết đâu dưới đó lại toàn là vàng.
Hai vợ chồng bước đi từng bước rón rén, nhìn lên trên giường thì cậu con trai đã ngủ ngon lành từ bao giờ. Tém nước bọt ông Hải thở hồi hộp, ông lại đu dây thừng trượt xuống lòng giếng một lần nữa, khác với lần đầu thì lần này bà Hoài đứng trên giữ sợi dây thừng, lòng lo lắng chờ đợi. Khi mà ông Hải bắt đầu chạm chân xuống nước thì bà Hoài ở bên trên hét ầm lên :
— Mình ơi, mình ơi….Đúng là dưới này toàn vàng thôi…Đứng bên trên tôi thấy dưới nước lóng la lóng lánh kìa. Ông mau lặn xuống đi…Nhanh rồi tung lên cho tôi.
Ông Hải nghe lời vợ lập tức lặn xuống đáy giếng, lần này ông Hải không mò mẫm nữa mà vớ được gì nhặt lên luôn. Chỉ chốc lát ông Hải đã trồi lên hai tay cầm hai cục, nổi lên mặt nước ông Hải nhìn vào tay mình thì đó chỉ là hai cục đá cuội bám rêu. Bà Hoài hỏi :
— Sao hả mình..? Có thấy nữa không..?
Ông Hải lắc đầu :
— Không phải, tôi chỉ lấy được hai cục đá.
Bà Hoài thắc mắc :
— Sao lại thế được, trên này nhìn xuống dưới nước nổi màu vàng chóe kìa..? Mình lặn xuống lần nữa đi.
Không chỉ thêm lần nữa mà ông Hải còn lặn xuống rất nhiều lần, nhưng kết quả vẫn chỉ là moi lên toàn đá là đá. Biết không thể tìm được vàng, ông Hải leo dây thừng ra khỏi lòng giếng. Đứng từ trên miệng giếng nhìn xuống quả đúng như lời vợ ông nói, làn nước đang sóng sánh kia vẫn đang ánh lên những tia vàng chói lọi.
Bà Hoài bỗng nhiên rùng mình một cái, toàn thân bà nổi da gà, cứ như vừa có một luồng hơi cực lạnh chạy dọc sống lưng. Sau cái rùng mình ấy, bà Hoài như hiểu ra vấn đề. Bà run sợ nói với chồng :
— Người ta chỉ cho mình thế thôi, còn từ nãy giờ họ đang trêu mình đấy. Đứng trên miệng giếng thì thấy vàng, nhưng chắc có mò cả đời cũng không tìm thêm được đâu. Đất này có người linh trấn yểm, có lẽ con gà sáng sớm nay họ bắt đi xong họ trả lại vàng.
Ông Hải nghe vợ nói cũng thấy lạnh gáy, mọi chuyện cứ như chỉ là mơ tưởng. Nhìn xuống giếng lúc này ánh màu vanf kia đã biến mất. Nước dưới giếng phẳng lặng trở lại, bà Hoài kéo tay chồng vào trong nhà rồi nói khẽ :
— Mình nhớ chuyện này đừng có ra ngoài kể cho ai. Lộc trời cho hay quỷ thần cho còn chưa biết, tạm thời cục vàng này cũng không được đem đi tiêu. Chuyện này ông cứ để tôi lo liệu, nhưng nhớ không được đi ra ngoài kể. Nhà mình tự nhiên có người cho của ban nãy sung sướng thì còn vui mừng, chứ giờ nghĩ lại không khéo còn mang họa. Các cụ nói ăn của quỷ thần một thì phải trả lại gấp trăm lần.
Ông Hải vốn tính cũng không phải người tiết kiệm gì, thấy vợ nói thế thì gạt phắt đi :
— Gớm nhà cái cô này nữa, người ta cho thì cứ tiêu. Nhà thì đang đói chẳng có tiền để mà sửa sang lại cái mái nhà dột. Có lộc thì phải hưởng, bà đưa đây tôi đem đi bán. Xong về sửa lại nhà cửa cho ban thờ, con cái rồi cả mình ở cho nó thoải mái. Sợ cái gì mà sợ, vàng trong đất nhà mình chứ mình có đi cướp của ai đâu mà lo thiên hạ nó biết.
Bà Hoài cau mặt, cố gắng giải thích cho chồng bà phải gằn giọng :
— Cái tôi sợ thiên hạ nó đồn thổi mà là sợ chính người cho lộc đây này. Giời ơi, anh chưa nghe thấy chuyện đi rừng đi suối nhặt được vàng lộ thiên rồi sau đó cả nhà phải bỏ mạng à..? Đất là đất nhà mình nhưng thần thánh, quỷ ma người ta ngự ở đây từ cả trăm nghìn năm về trước. Cái mồm của ông cứ như thế rồi mang họa đến cho cả nhà. Chuyện này không đùa được đâu, đã nói cái gì mà quỷ thần cho không phải cứ muốn là dùng được. Đưa cục vàng đây, tôi bọc kỹ cất đi.
Tặc lưỡi nhìn vợ lấy một mảnh vải đỏ bọc cục vàng lại cẩn thận rồi để tận sâu trong cái hộp gỗ sát gầm giường. Ông Hải vẫn đang tiếc rẻ thì bà Hoài ngọt nhạt :
— Mình cứ nghe tôi, nếu mà họ đã cho thì kiểu gì mình cũng được dùng. Nhưng chắc chắn phải có cái lễ, phải mời thầy về xem xét thổ nhưỡng, đất đai rồi cả mạch nước, địa hình nhà chúng ta. Ông biết một mà không biết hai, ông chỉ nhìn thấy cục vàng mà ông quên mất cả cái giếng phát ra màu vàng. Nếu nói như ông thì ông giải thích xem tại sao con gà chết chìm dưới giếng nhưng không thấy xác đâu.
Thì thầm vào tai chồng bà Hoài nói nhỏ :
— Vì chỉ có ma quỷ mới ăn thịt sống thôi.
Nghe vợ nói ông Hải giật bắn người, ông kinh hãi không dám đả động gì đến cục vàng nữa. Nhớ lại cái cảm giác ban nãy dưới giếng có bàn tay người thò vào túi ông nhét cục vàng vào mà ông lạnh cóng cả toàn thân. ́p úng ông Hải trả lời vợ :
— Ừ…ừ….thôi….thôi….mình muốn…làm…gì thì…làm…Tôi không…can…thiệp nữa.
Bà Hoài nói tiếp :
— Giờ ông cầm tiền đi ra chợ mua hoa quả, mua vàng tiền, mua cả gà trống thiến mang về đây. Trước mắt chưa tìm được thầy thì nhà mình cũng phải sắp cái lễ để cúng bên ngoài giếng. Đi nhanh lên nhé, ai hỏi thì chỉ được bảo nhà có cúng thôi. Không được đả động gì đến chuyện vàng hay con gà bị bắt nghe không..?
“ Hi hi hi….hi hi hi…”
Hai ông bà đang nói chuyện với nhau thì cậu con trai đã tỉnh dậy, nó nằm quay mặt ra phía hai vợ chồng nhìn cả hai từ bao giờ, nó chỉ ngón tay nhỏ nhắn, xinh xắn của mình về phía bố mẹ rồi cứ thế cười giòn giã.
Ít khi thằng bé cười lắm, nhưng trong buổi sáng hôm nay nó cười đến hai lần. Bà Hoài vừa mừng vừa lo, phẩy tay ra hiệu cho chồng nhanh chóng đi chợ mua đồ, bà Hoài lại gần bế con lên dỗ dành. Trong đầu bà Hoài lẩm bẩm :
— Nếu các ngài đã thương chúng con thì chúng con nguyện sẽ dành cả đời, cả kiếp thờ cúng các ngài đến nơi đến chốn. Con xin thề trước ban thờ gia đình nhà chồng con, nếu con mà làm sai con chết không có chỗ chôn.
Cả ngôi nhà bỗng dưng lành lạnh, một cơn gió nhẹ thổi từ của nách hướng sân sau nơi cái giếng mà ông Hải mò được vàng thổi hắt vào bên trong làm cái màn đã ngả màu vàng ố khẽ đung đưa. Cậu con trai nằm trong tay mẹ lại tiếp tục nhắm mắt ngủ ngon lành. Cho con ngủ xong bà Hoài sắp sửa đồ đạc, chén đĩa, lọ hoa….để chờ chồng về sẽ làm lễ cúng. Cổng nhà được đóng chặt, khóa ngoài, từ lúc mò được cục vàng bà Hoài thấy trong lòng có chút bất an. Không phải tự nhiên mà bà Hoài lo sợ vô căn cứ. Vốn dĩ bà Hoài là người rất chú tâm đến chuyện thờ cúng trong nhà, ngày chưa lấy chồng, nhà bà Hoài ở gần nhà một bà thầy bói. Suốt ngày sang đó phụ giúp lau dọn hương án, đồ đạc cho bà thầy nên bà Hoài cũng được nghe không ít về những truyện tâm linh, ma quỷ, thần thánh.
Hôm nay khi ông Hải mang từ dưới giếng lên một cục vàng, bất chợt bà Hoài nhớ lại câu chuyện cách đây phải đến chục năm về trước. Cái ngày mà còn bom đạn, người chết nhan nhản, con cái từ biệt bố mẹ đi chiến trường rồi chết mất xác. Không còn bấu víu được vào đâu họ tìm đến các ông thầy, bà chúa để hỏi xem con họ còn sống hay đã chết. Thế nên mặc dù nhà bà Hoài không có gạo để ăn nhưng nhà bà thầy bói lúc nào cũng sung túc. Ngoài những lúc xem bói bà thầy lại nhìn bà Hoài rồi phán :
— Cố lên con ạ, giàu nghèo có số cả. Nhiều kẻ đang đi ăn mày nhưng sau một đêm lại thành phú ông vì nhặt được của.
Bà Hoài vừa lau dọn vừa đáp :
— Cô xem con có giàu được không ạ.?
Bà thầy nhìn nhìn một lúc rồi trả lời :
— Sẽ giàu, còn hậu vận về sau thì chưa xem được. Nhưng mà này, có của cũng chưa chắc đã là tốt đâu. 5 năm trước cô có gặp một trường hợp, nhà một bà, đi cuốc vườn, cuốc trúng hũ vàng. Cả nhà cho là đất của phú ông , địa chủ ngày xưa người ta chôn nên đem chia nhau tiêu pha. Kết quả con biết sao không..?
Bà Hoài tò mò lắc đầu không biết, bà Thầy nói tiếp :
— Cả nhà nó chết không còn một ai. Thế nên cô mới nói có của chưa chắc đã là phúc. Riêng mà đào được vàng là một, nhặt được vàng trên núi, trong rừng, trên suối có khi còn là rước họa vào thân. Của thần , của ma , của chôn dưới đất ắt có yểm. Lấy rồi phải trả bằng cả mạng sống con ạ.
Hồi ấy bà Hoài còn lẩm bẩm rằng đang nghèo mà đào được vàng ai chẳng thích. Ngày đó bà thầy bói cũng đã 70 tuổi, ba năm sau thì bà ấy cũng mất. Bẵng đi hôm nay khi đứng ngoài giếng, lúc mà ông Hải dù lặn xuống bao nhiêu lần cũng không tìm thêm được vàng thì bà Hoài mới rùng mình nhớ lại câu chuyện năm xưa. Lạnh sống lưng khi đột nhiên tiếng nói của bà thầy bói từ đâu cứ văng vẳng bên tai bà Hoài :
“ Cả nhà nó chết con ạ.”
“ Cả nhà nó chết con ạ..”
“ Cả…nhà…nó…chết…con…ạ….”
***************
— Này, anh định không ăn cơm à…? Thức ăn để nguội hết rồi.
Tôi giật thót mình khi một lần nữa tiếng vợ tôi vang lên, kèm theo cái vỗ nhẹ vào vai. Thở mạnh tôi chỉ muốn quay lại mắng cho cô ấy mấy câu bởi mỗi lúc cô ấy xuất hiện cứ như ma vậy. Nhưng nghĩ lại tôi giật mình cũng bởi đang quá chăm chú vào viết lách.
Vợ tôi nhìn vào máy tính rồi than thở :
— Lại ma quỷ, anh lại viết những chuyện mà ông Huấn kể cho anh nghe đấy à..? Em lắm lúc không hiểu anh nghĩ gì mà cứ ham mê những câu chuyện kinh dị của ông ấy như vậy. Rồi có khi anh lại bị ám ảnh không biết chừng, từ lúc anh về nhà em thấy anh cứ có gì đó không ổn…
Tôi dừng tay không viết nữa, biết nếu không ăn cơm vợ sẽ cằn nhằn nên tôi để máy đó đứng lên. Đi được vài bước chợt nhớ chưa tắt màn hình, vì máy tôi nếu để thì phải chục phút sau nó mới tắt. Nhưng khi quay người lại thì màn hình máy tính của tôi đã được tắt tối om…….
Tối ngày hôm đó trằn trọc cả đêm tôi cũng không ngủ được. Cứ dăn giở xoay đi xoay lại cũng không tài nào chợp mắt nổi. Nằm nhớ lại những lúc ngồi nói chuyện với anh Huấn mà cảm giác mọi thứ cứ như đang hiện trước mắt. Không biết vợ tôi có nghe thấy hay không, nhưng cô ấy ngủ ngon lắm. Chỉ có tôi thì vẫn đang nghe rõ mồn một tiếng khóc than của bà Hoài. Tiếng khóc âm ỉ rồi có lúc lại gào thé lên từng cơn đau vật vã :
“ Con…ơi….cuối cùng…thì con…cũng bỏ mẹ…mà đi..Hu…u….u….Huấn ơi, ông nó ơi…Tôi còn phải chịu…đựng…cái nghiệp này đến…bao giờ..nữa đây.”
Nhưng rồi chỉ một lúc sau thì lại có tiếng cười phá lên :
“ Ha ha ha ha…mày…bắt…tao….luôn…đi….Con quỷ cái…bắt tao…đi này…Ha ha ha ha.”
Điệu cười đó cứ vang văng vẳng trong màn đêm, thực ra thì tôi biết rõ “ Con Quỷ Cái” mà bà Hoài đang gào lên trong đêm ấy là thứ gì..? Chỉ có điều trước đây khi mà anh Huấn kể tôi chỉ nghe và coi đó là một câu chuyện mang màu sắc có phần hư cấu. Nhưng rồi anh Huấn chết, cứ như thể anh biết trước cái chết của mình sắp đến. Rồi bà Hoài như trở nên điên loạn khi cậu con trai cuối cùng cũng chết tức tưởi.
Có lẽ đã quá nửa đêm, sức người cũng chỉ có hạn. Có lẽ bà Hoài đã quá kiệt quệ, bà Hoài đã khóc từ lúc anh Huấn nằm trên giường bệnh, bà khóc lúc người ta đặt xác anh vào quan tài cho đến lúc đắp đất phủ kín huyệt mộ và đến mới đây bà vẫn khóc. Tôi cũng không dám chắc rằng nếu đặt mình vào bà Hoài liệu tôi có đủ sức để mà sống tiếp hay không. Nằm miên man suy nghĩ, không dám trở mình nữa vì sợ vợ tỉnh giấc.
Đột nhiên tôi thấy phía cửa phòng ngủ mình đang nằm có ai vừa mở cửa từ trong phòng đi ra. Rõ ràng tôi nhìn thấy bóng người vừa vụt qua cánh cửa chỉ mở hé ra một nửa. Tôi thì đang nằm trên giường, tất nhiên vợ tôi đang nằm cạnh ôm con bé con ngủ say không biết gì. Nhà này chỉ có ba người thế thì ai vừa đi ra khỏi cửa. Toàn thân tôi bất động, cứng đơ không thể di chuyển dù chỉ một ngón tay trừ phần đầu. Quay sang nhìn vợ vẫn đang quay lưng lại phía mình tôi ú ớ gọi mong sao vợ tôi tỉnh dậy. Nhưng cô ấy vẫn nằm im hề hay biết gì, nhìn lại phía cửa phòng thì cánh cửa ban nãy mở hờ hờ nay đang từ từ đóng lại. Tôi còn nhìn rõ phía ngoài cửa có ánh sáng trắng đục chiếu qua lớp kính mờ.
— Này, này…Anh làm sao đấy…Dậy, dậy đi anh.
Tôi há hốc mồm, mở to mắt cố gắng thở mạnh vì tôi nhận ra mình vẫn còn sống. Bóng đè, tôi vừa bị bóng đè một thứ cảm giác mà từ rất rất lâu rồi đêm nay tôi mới lại được cảm nhận. Ban nãy dù cho tôi vẫn đang thức, vẫn nhìn được mọi thứ xung quanh nhưng cả người tôi cứ nặng trĩu, càng lúc càng nặng. Không thể nói, không thể cử động chỉ có đôi mắt là vẫn mơ màng nhìn thấy những thứ không xác định.
Toát mồ hôi ướt đầm đìa, tôi hướng mắt nhìn cho rõ một lần nữa về phía cửa phòng thì tất nhiên cửa phòng đóng, bên ngoài cửa chẳng có thứ sương trắng mờ ảo như ban nãy nữa. Ngồi dậy dựa vào thành giường tôi vẫn chưa khỏi hoảng hốt, vợ tôi thấy tôi như vậy thì được đà :
— Đấy, anh lại mơ ác mộng phải không.? Cứ ú a ú ớ không nói được câu nào, lay người mãi thì mới dậy. Em bảo rồi, anh đừng có đi đưa đám mà anh không nghe.
Quái quỷ thật, mọi ngày không sao, nhè đúng hôm nay thì xảy ra bao nhiêu chuyện. Nghĩ lại lúc sớm cái máy tính tôi đã nhận ra có điều gì đó không ổn. Sau thì mãi không ngủ được, rồi cứ nằm nghe thấy tiếng bà Hoài khóc, mà nghe thấy cả tiếng bà Hoài cười nữa. Nhìn vào đồng hồ điện thoại lúc này mới chỉ là 0h10’, tôi nhớ lúc nghe thấy tiếng khóc từ bên nhà bên cạnh thì đồng hồ là 0h đúng, mới chỉ có 10 phút trôi qua mà ngỡ như tôi phải trải qua cảm giác khó thở ấy lâu lắm rồi.
Tôi vội quay sang hỏi vợ :
— Em này, nãy em có nghe thấy tiếng khóc của bà Hoài bên nhà bên cạnh không..?
Vợ tôi đáp :
— Em không, tầm sớm lúc 9-10h thì em vẫn nghe thấy. Nhưng sau đó thì chẳng nghe thấy gì cả, khổ thân bà Hoài, chắc phải khóc đến rạc cả người đi. Có lẽ lúc ấy mệt lả đi thì sao mà còn sức khóc nữa. Tối em cũng có gặp chị Thanh ngay đầu cổng, chị Thanh bảo mẹ chị ấy yếu lắm. Chôn anh Huấn xong về đến nhà cứ phủ phục trước ban thờ của chồng với mấy người con trai gào thét. Đến ngất đi nhưng khi tỉnh thì lại khóc tiếp.
Chị Thanh là con gái duy nhất của bà Hoài, không biết tại sao các anh em đều đã chết hết thì đến giờ chị Thanh là người duy nhất là con mà không bị một vấn đề gì cả. Chị Thanh lấy chồng ở mãi Thái Nguyên, cũng rất ít khi về thăm mẹ. Lần này đám tang em trai là anh Huấn cũng chỉ có mình chị về. Không cần ai nói thì mọi người cũng biết chị Thanh sợ phải về đây. Ba người anh em của chị đều đã nằm dưới mộ, câu chuyện Trùng Tang mà dân làng thêu dệt về gia đình chị cũng đến tai nhà chồng. Vậy nên chồng, con chị Thanh dù cho là đám ma của em vợ họ cũng không về thắp lấy một nén hương. Mấy ngày qua lo ma chay, hậu sự cho anh Huấn chỉ có hai mẹ con là chủ chốt, bà Hoài quá đau buồn không làm được gì, mọi gánh nặng đổ hết lên đầu chị Thanh. Cũng may hàng xóm láng giềng nhiều người cũng sang giúp đỡ dù cho cũng như tôi, vợ con họ ra sức ngăn cản. Đến ngay như đội chôn cất cũng phải mướn người ở rất xa về đây từ mấy hôm trước. Còn ở làng này, nghe đến nhà bà Hoài có người chết có trả gấp đôi người ta cũng sợ không dám nhận mai táng. Bởi vì đây đã là đứa con thứ ba của bà Hoài chết vào ngày 10/7 âm lịch.
Tôi thắc mắc :
— Vậy chắc có lẽ lúc đó em ngủ rồi, chứ anh nghe thấy bà Hoài khóc đến tận 12h đêm. Thôi em ngủ tiếp đi, anh ra ngoài uống cốc nước cho tỉnh táo, chắc anh viết nốt rồi mới ngủ được.
Vợ tôi thở dài rồi tiếp tục nằm xuống ôm con ngủ. Tính tôi rất lạ, lúc ban nãy trong mơ bị bóng đè xong tỉnh dậy tôi sợ lắm, người còn run lên bần bật. Nhưng chỉ lúc sau khi hoàn hồn tôi lại thấy mọi thứ bình thường. Giờ nhìn ra bên ngoài cửa phòng tôi không thấy sợ. Bởi tôi lúc nào cũng quan niệm, nhà của mình chứ nhà ai mà phải sợ. Đất có thổ công, sông có hà bá, nhà nào cũng có thần giữ cửa rồi ban thờ thờ cúng gia tiên, ông bà, các cụ cũng coi như ngôi nhà đó được bảo hộ. Đâu phải ma quỷ bên ngoài muốn vào là vào được đâu. Chuyện bóng đè thì có thể giải thích chắc do mấy hôm nay thiếu ngủ, đi lại nhiều, cơ thể mệt mỏi nên sinh ra mơ mộng. Đã vậy lúc thức cứ nghĩ đến chuyện của anh Huấn thì bảo sao ngủ không mơ thấy những điều kỳ lạ.
Thở hắt ra tôi mở cửa phòng thật nhẹ rồi bước ra phòng khách uống nước. Đi được mấy bước thì tôi giật mình, lối đi từ phòng ngủ ra phòng khách chỉ tầm 5m, tôi không bật điện chỗ lối đi vì sợ chói vào phòng ngủ
Cách phòng khách chỉ còn mấy bước chân tôi bỗng nghe thấy những âm thanh :
“ Cạch…cạch…cạch..”
“ Cạch..cạch…cạch..”
Những âm thanh đó nghe như là tiếng gõ phát ra từ bàn phím chiếc laptop mà tôi vẫn hay dùng. Nhưng sao thế được, ở nhà này ngoài tôi đang bước ra thì làm gì có ai để mà sử dụng máy tính. Trong khi vợ con vẫn còn đang nằm trong phòng, nỗi sợ ban nãy vừa biến mất thì nay lại xuất hiện. Căn phòng khách tối om, khi tôi tiến gần đến công tắc điện sát bờ tường thì không nghe thấy gì nữa.
“ Tách “
Công tắc đèn được bật sáng, một làn gió nhẹ khẽ lùa vào lưng tôi, chiếc laptop vẫn nằm nguyên vị trí ban ngày tôi đặt.
“ Viu….u….iu…..vu..”
“ Cạch…cạch…cạch..’
Tôi quay lại phía sau thì thở phào bởi đó chỉ là tiếng cánh cửa sổ chưa đóng kín, chắc do vợ tôi chốt cửa chưa đúng vào then nên cánh cửa khẽ bung nhẹ ra một chút. Gió đêm thổi khiến cánh cửa đập khẽ vào bản lề phát ra những tiếng động như tôi vừa nghe thấy. Chắc có lẽ tầm sớm nghi chưa tắt máy mà màn hình laptop lại tối nên tôi suy nghĩ hơi quá đà. Với tay ra kéo cửa sổ lại, tôi nhìn qua khe cửa hẹp sang bên phía nhà bà Hoài. Cánh cửa sổ phòng khách hướng đúng về phía sân sau của nhà bà Hoài. Trong câu chuyện mà anh Huấn kể về thời xưa thì mảnh sân sau ấy có cái giếng, sân nền đất….Nhưng từ đó đến nay đã hàng mấy chục năm, nhà bà Hoài cũng đã xây mới, dưới ánh điện phòng khách hắt ra, bờ tường ngăn cách hai nhà khá thấp. Đứng từ trong phòng khách nhìn ra bên ngoài cửa sổ tôi mơ hồ mường tượng ra vị trí cái giếng ngày xưa nó nằm ở đâu. Bởi vì nay cái giếng hình như là đã bị lấp kín, nền san cũng đã được trát xi măng từ rất lâu. Chỉ có mấy cây bưởi trồng cho mát sân lúc này đang khẽ xào xạc vì gió thổi.
Chẳng hiểu sao tôi thấy lành lạnh, không dám nhìn sang bên đó nữa tôi chốt cửa sổ lại rồi tiến lại bàn rót nước uống.
Đang rót cốc nước thì :
“ Cạch “
Như có ai đó đang đáp gì vào cánh cửa sổ tôi vừa đóng, quay lại thì chẳng nhìn thấy gì, bởi những ô kính buổi tối mà bật đèn thì nhìn từ trong ra ngoài chỉ phản chiếu hình ảnh bên trong nhà chứ không thấy được bên ngoài. Da gà, da vịt cứ thể nổi lên rần rần. Nhìn vào cánh cửa sổ đột nhiên tôi có cảm giác có người đang đứng bên ngoài cửa nhìn vào trong phòng khách, chỉ có điều thứ mà tôi đang nhìn thấy trong tấm kính cửa bây giờ lại chính là bản thân mình.
Linh cảm mách bảo có một thứ gì rất lạ đang lởn vởn xung quanh tôi, quanh ngôi nhà của tôi. Mà tôi chắc chắn thứ đó đang ở phía sau cánh cửa sổ nhìn đối diện ra sân sau nhà bà Hoài. Nuốt nước bọt, đã hơn một phút mà gai ốc của tôi vẫn chưa thể hết, người như có một luồng xung điện chạy qua khiến tóc gáy tôi dựng đứng. Nhìn lên ban thờ gia tiên, tôi lại gần rồi lấy ba nén nhang châm lửa đốt.
Cắm ba nén nhang vào ba bát hương tôi lẩm bẩm khấn :
— Các cụ sống khôn thác thiêng, phù hộ độ trì cho gia đình chúng con. Anh Huấn, nếu như anh về vì nhớ thằng em thì anh cứ lại nhà. Nhưng nếu anh về để trêu chọc gia đình em thì mong anh đừng làm thế.
Khấn xong tôi chắp tay vái ba vái rồi khẽ nhắm mắt hít một hơi thật dài lấy lại bình tĩnh. Khói nhang bay lên mập mờ, mùi nhang phần nào xua tan đi cái không khí lạnh lẽo giữa đêm, lúc này mới chỉ là 0h30 phút. Không hiểu có phải hồn ma, bóng quế anh Huấn đang trêu đua tôi hay không mà sau khi thắp hương lên ban thờ thì sau đó tôi không còn thấy rùng mình nữa, cũng chẳng nghe thấy những tiếng động lạ.
Mở máy tính lên, tôi tiếp tục công việc dang dở…..Câu chuyện về cái giếng vàng phía sân sau nhà bà Hoài cùng với vô vàn những điều kỳ lạ, bí ẩn. Vàng đó là họa hay phúc….Sau khi mò được vàng thì chuyện gì xảy ra tiếp theo….?
(Thứ Năm 28 thág 10 2021) ·
Sửa ·
Xóa